Tin tức
Giang Trang “trong suốt hóa” nhạc Trịnh
Cũng như lần trước, buổi diễn đã bán hết vé trước ngày diễn một tuần.
Giang Trang không có những lợi thế của một ca sĩ. Cô quyết định rẽ hẳn sang ca hát vào lúc không còn quá trẻ, giọng hát hơi mảnh, không được đào tạo chuyên nghiệp và nhất là bập ngay vào một dòng nhạc, một tác giả là Trịnh Công Sơn. Hầu như ca sĩ VN nào cũng từng hát nhạc của ông, nhưng cũng chỉ đôi ba người thành công. Bấy nhiêu khó khăn đó đủ để làm nản chí bất cứ ai.
Nhưng Giang Trang có lợi thế là cô đã có tiếng trong giới sinh viên Hà Nội, từ những quán ca nhạc nho nhỏ, những câu lạc bộ nhạc Trịnh, những nơi chỉ cần cô hát bằng trải nghiệm của cô, một thứ nhạc Trịnh khác với tông màu ảo não nặng trĩu tâm sự quen thuộc. Trải nghiệm đó là gì? Là khía cạnh thiền, cái màu sắc bảng lảng hư không man mác, đôi khi bâng quơ như những lời tâm sự hằng ngày. Phải nói rằng nó hợp thời. Vì thế mà dễ hiểu là cả hai dịp cô xuất hiện ở L’Espace trong đêm nhạc của mình, lần trước là hai đêm Lênh đênh nhớ phố và lần này, Hạ huyền đều “cháy” vé.
Hai dịp biểu diễn này đều kết hợp với việc ra mắt đĩa nhạc của Giang Trang, những sản phẩm mang tham vọng tái hiện tình ca của Trịnh Công Sơn dưới hình thức âm nhạc đương đại. Ở đấy, giọng hát của Trang có chủ ý lẩn khuất, song hành với cello, flute, guitar hay bộ gõ, không còn là những tự sự nổi lên mà là những cảm giác, đúng như những câu trạng thái trong nhạc Trịnh mà Trang cất lên: “Ta thấy em trong tiền kiếp...”, “Ừ thôi em về...”, “Chợt thấy em qua nơi này...”.
Sẽ có những người lấy làm lạ rằng nhạc Trịnh lại hơn cả trễ nải như thế, nhưng Giang Trang đã tìm thấy “ngách” của loại nhạc tưởng như đơn giản nhất này mà trình làng. Không phải lúc nào cô cũng thành công, vì như Trang cũng đã ý thức, thể hiện bằng sự “trong suốt hóa” nhạc Trịnh như vậy là bỏ qua phần đắm đuối, ma mị, mê luyến vốn đã hằn sâu trong tâm trí người nghe suốt nửa thế kỷ qua. Nhưng sự tìm tòi, khổ công của Giang Trang xứng đáng để người ta tìm hiểu, như một lối tiếp cận ở đề tài tưởng chừng quen thuộc.
Người ta sẽ mãi thích những giọng ca nồng nàn, đầy ăm ắp tâm sự của ngày xưa, nhưng cũng sẽ đón nhận những cách hát mới của một cõi hiện tại. Bởi lẽ, chính Trịnh Công Sơn đã tư duy như thế trong âm nhạc của mình: Trong xuân thì thấy bóng trăm năm.
NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ
(Theo TTO)