Vụ tăng phí tác quyền âm nhạc: Không đình công mà chỉ ngưng sản xuất.

Tuy nhiên, những phản ứng của RIAV chỉ mới dừng ở việc từng thành viên của RIAV trả lời báo chí và công bố những công văn qua lại giữa RIAV và VCPMC. Cho đến chiều qua (6-5), ban chấp hành và các thành viên RIAV mới có buổi họp với báo chí công bố chính thức ý kiến của RIAV đối với sự kiện này.

Vẫn không đồng ý tăng 100%

Trong thông cáo gửi đến báo chí, RIAV vẫn bảo lưu ý kiến việc tăng giá 100% so với mức thu cũ là không phù hợp với nhu cầu hiện tại và đi ngược lại tinh thần Nghị quyết 11 (Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội - NV).

Thông cáo cũng khẳng định tất cả khoản thu VCPMC đạt được là từ việc khai thác tác quyền các bản ghi âm của các đơn vị là thành viên RIAV. Và việc điều chỉnh thay đổi mức giá của VCPMC cần phải có thời gian, thông báo, tham khảo lấy ý kiến và quy định thời gian áp dụng. Không thể gửi thông báo biểu giá buộc thực hiện theo nhu cầu, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất băng đĩa nhạc.

RIAV đề nghị VCPMC giữ nguyên giá cũ cho năm 2011. Trường hợp VCPMC không chấp thuận thì RIAV đề nghị áp dụng mức giá tính theo chế độ nhuận bút cho tác phẩm sử dụng dưới hình thức xuất bản phẩm (Chương II Nghị định 61/2002/NĐ-CP).

Bà Trương Thị Thu Dung, Phó Chủ tịch Thường trực RIAV, Giám đốc Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông, cho rằng: Nếu không có các bản ghi mà chỉ từ bản nhạc trên giấy của các nhạc sĩ thì không thể thu được số tiền tác quyền cao. Và “các thành viên RIAV không phải đình công như các báo nêu mà chỉ là ngưng sản xuất để tìm phương án đưa sản phẩm ra được thị trường mà không bị lỗ” - bà Dung nói.

 

 Sẽ thỏa thuận tác quyền trực tiếp

Ông Trần Chiến Thắng, Chủ tịch RIAV, Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, cho biết một trong những phương án để các thành viên RIAV vẫn tiếp tục sản xuất trong tình trạng tác quyền lên giá như hiện nay chính là tìm các nhạc sĩ trẻ, các nhạc sĩ là ca sĩ và thỏa thuận tác quyền trực tiếp với họ. “Chúng tôi sẽ chọn các nhạc sĩ trẻ chưa ủy thác cho VCPMC và không phải là hội viên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (thường các hội viên này nằm trong danh sách ủy thác cho VCPMC) để thỏa thuận tác quyền” - ông Thắng chia sẻ.

Khi phóng viên Pháp Luật TP.HCM đặt vấn đề rằng RIAV chỉ là đại diện của các đơn vị sản xuất băng đĩa, ghi âm, ghi hình... Vậy nếu nhạc sĩ đã ký hợp đồng với RIAV để ủy quyền thu tác quyền các sản phẩm bản ghi thì họ có nên tiếp tục ký với VCPMC để ủy quyền thu tác quyền lĩnh vực biểu diễn? Hay RIAV có thể thu hộ tiền tác quyền lĩnh vực biểu diễn cho nhạc sĩ? Ông Thắng trả lời: “RIAV chỉ ký hợp đồng ủy thác với nhạc sĩ tác quyền của các bản ghi sản phẩm âm nhạc. Nhưng nếu nhạc sĩ (tức chủ sở hữu quyền) có ủy thác các quyền khác thì chúng tôi vẫn thu được. Quyền sử dụng tác phẩm thuộc về chủ sở hữu quyền và họ ủy thác cho ai, ủy thác những quyền gì là tùy họ”.

Tại cuộc họp, ông Thắng khẳng định chung rằng RIAV không đặt nặng vấn đề tăng giá tác quyền 100% là cao hay thấp. Bởi tùy từng hợp đồng mà giá khác nhau. Và hiện RIAV sẽ không nhờ cơ quan quản lý nào can thiệp vào chuyện này bởi giữa RIAV và Hội Nhạc sĩ Việt Nam (cơ quan chủ quản của VCPMC) không hề có vướng mắc. “RIAV và VCPMC chưa ngồi được với nhau để bàn thảo vì những lý do khách quan chứ không phải bất đồng quan điểm giữa hai bên đến mức không ngồi chung được” - ông Thắng nhấn mạnh.

Theo ông Thắng, sắp tới RIAV sẽ có buổi làm việc với Hội Nhạc sĩ Việt Nam về vấn đề này. Và nếu buổi làm việc với Hội Nhạc sĩ Việt Nam không thành công, RIAV sẽ viện đến cơ quan quản lý, Thủ tướng hay pháp luật can thiệp.